Nửa đầu 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam giảm mạnh 27%. Do đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA) được ký kết tại thời điểm này mang ý nghĩa to lớn.
Israel được đánh giá là thị trường tiềm năng vì có sức mua lớn; mỗi năm nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng vào khoảng 25 tỷ USD; nhiều mặt hàng Israel có nhu cầu thì Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, thủy sản… Ngoài ra, hai nước có thể hỗ trợ nhau đầu tư công nghệ cao, lĩnh vực mà Israel rất có thế mạnh.
Israel thuộc Top 22 thị trường hàng đầu trong số trên 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu gồm: tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra… Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam tại Israel hiện đã có chỗ đứng ổn định và được người tiêu dùng quốc gia này ưa chuộng, đánh giá cao. Vì thế, lộ trình giảm thuế của Hiệp định VIFTA sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Cá ngừ – một trong những mục tiêu mũi nhọn của Việt Nam; năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu 36,63 triệu USD cá ngừ và Israel đứng thứ 4 trong số 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam (sau Mỹ, Canada và Nhật Bản). Xuất khẩu mực đông lạnh sang thị trường này đạt 23,22 triệu USD, chiếm tỉ trọng 1,7% xuất khẩu mặt hàng này của cả nước và Israel đứng thứ 8 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc hàng đầu của Việt Nam. Xuất khẩu tôm đông lạnh sang Israel đạt khoảng 21 triệu USD và Israel đứng thứ 20.
Đòi hòi hàng hoá chế biến sâu, có thương hiệu, chất lượng cao
Theo Báo Chính phủ, Israel chuộng nhập khẩu các mặt hàng có thể đưa vào bếp ngay (tức: hàng hóa chế biến sâu). Israel cũng đòi hỏi các mặt hàng phải có thương hiệu, có chất lượng. Đây là điều mà doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tiếp cận dần để có thể làm quen và giành lợi thế. Mặt khác, đây là lần đầu tiên Israel ký FTA với đối tác Đông Nam Á (ASEAN) nên doanh nghiệp Việt Nam càng phải giữ chữ tín ngay từ đầu.
Việc ký kết FTA giữa Việt Nam và Israel đánh dấu thành quả nỗ lực của hai nước sau 7 năm đàm phán và càng có ý nghĩa trong bối cảnh hai nước đang tiến hành nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. VIFTA là một hiệp định toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực mà Việt Nam và Israel cùng quan tâm. Hai bên kỳ vọng thương mại hai chiều sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc, sớm đạt mức 3 tỷ USD và cao hơn nữa.
VIFTA – Ý nghĩa trong việc hướng tới tương lai
Israel hiện là một trong những đối tác hợp tác thương mại, đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Tây Á. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA) được ký kết vào ngày 25/7/2023 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh không chỉ sang Israel mà còn có cơ hội tiếp cận các thị trường khác tại Tây Á, Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu.
Israel không phải là đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam, song Việt Nam vẫn nỗ lực mở rộng thị trường bởi hàng hóa giữa Việt Nam – Israel có tính chất bổ sung cho nhau. Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á. Việc VIFTA được ký kết và đi vào thực thi sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại hai chiều đi lên.
Hơn nữa, Israel là một nền kinh tế có công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ trong nông nghiệp. Vì vậy, VIFTA không chỉ giúp khơi mở hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước mà còn giúp thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam – lĩnh vực Việt Nam rất cần và muốn phát triển nhưng sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Thủy sản Việt Nam tận dụng lợi thế từ VIFTA
Để tận dụng được lợi thế từ VIFTA, doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu kỹ về thị trường. Sản phẩm của doanh nghiệp phải đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật của thị trường này. Vì hiện nay, nhiều FTA đòi hỏi các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, sử dụng nguồn nhân lực… là những điều mà doanh nghiệp Việt còn yếu.
Đồng thời, phải tìm hiểu các ưu đãi về xuất xứ hàng hóa để tận dụng hiệu quả VIFTA. Theo thống kê, mỗi năm có trên dưới 70 diện mặt hàng của Việt Nam được xuất khẩu sang Israel. Năm 2022, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu đạt 80,4 triệu USD; thủy sản trở thành mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Israel.
Trong thời gian tới, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) sẽ phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Israel liên tục cập nhật thông tin diễn biến thị trường, các thay đổi chính sách thương mại, quy định nhập khẩu mới của Israel và đăng tải rộng rãi trên các trang thông tin điện tử và tạp chí.
Về phía Thương vụ Việt Nam tại Israel cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xác minh thẩm tra tư cách pháp nhân các doanh nghiệp đối tác tại Israel, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với thị trường và thiết lập quan hệ hợp tác kinh doanh với Israel.
Liên quan đến hành trang chuẩn bị cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường Isarel, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) sẽ tìm hiểu, nghiên cứu kỹ để phổ biến tới các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đã tận dụng được từ các FTA khác như EVFTA, CPTPP… VASEP tin tưởng các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế từ VIFTA.